Sau khi nhận được tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cần thiết đầu tư và phương án đầu tư dự án
Vị trí núi Ngọc, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa.
Liên quan đến phương án đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với thành phố Thanh Hóa nghiên cứu kỹ hồ sơ khoa học khu di tích lịch sử Hàm Rồng đã được Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích quốc gia (năm 1975) để làm rõ về nguồn gốc, thời điểm xuất hiện công trình cột cờ hiện nay trên núi Ngọc, công trình này có hay không có trong hồ sơ khoa học di tích nêu trên và cột cờ ở đây mang ý nghĩa gì, cơ sở nào xác định cột cờ là Biểu tượng chiến thắng Hàm Rồng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo ngành chức năng rà soát lại các hạng mục cần đầu tư, trong đó nghiên cứu, đề xuất cụ thể các nội dung như giải phóng mặt bằng đường vào và nơi để xe của khách, bảo đảm giữ gìn cảnh quan tự nhiên, hiện trạng núi Ngọc, hạn chế tối đa san gạt, phá đá gây ảnh hưởng tới núi Ngọc và cảnh quan tự nhiên, tập trung nghiên cứu, thiết kế hệ thống chiếu sáng khu vực Cột cờ, đồng thời bổ sung phương án định kỳ hoặc đột xuất thay cờ và thiết bị chiếu sáng, đảm bảo sự trang trọng, tôn nghiêm, đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, ngành chức năng đang hoàn thiện các bước theo quy định để triển khai dự án.
Núi Ngọc (còn gọi là núi Châu Phong, núi Con Nít) nằm độc lập phía Nam cầu Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Đây là một trong những điểm danh thắng trong cụm núi Hàm Rồng. Trong những năm chống chiến tranh, dưới chân núi Ngọc là hầm đồn trú của Đội cầu 19/5 anh hùng, cảm tử, bảo vệ cầu về mặt kỹ thuật, cùng với các lực lượng Phòng không giữ gìn cây cầu huyết mạch qua dòng sông Mã. Trong ngày 3-4/4/1965, trên đỉnh núi Ngọc, nơi có cột cờ Tổ quốc là trận địa của tổ trung liên gồm 3 chiến sĩ trẻ, kiên cường bám trụ chiến đấu một mất một còn, đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ với lời thề Chúng tôi quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để tiêu diệt địch. Ngày 21/12/1975, núi Ngọc được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 09-VH/QĐ.
Di tích núi Ngọc có vị trí như sau: Phía Bắc giáp đường giao thông, phía Tây giáp sông Mã và cầu Hàm Rồng, phía Nam - phía Đông giáp đường đê sông Mã và khu dân cư.