Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê hàng đầu thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon bậc nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!Cách nhìn nhận mới về nghiên cứu ngôn ngữ học
Ngôn ngữ học có nguồn gốc lâu đời từ thời văn minh cổ đại và được nhiều tri thức, triết gia quan tâm, nghiên cứu ở thời kỳ Trung cổ, Phục Hưng. Tuy nhiên, thế kỷ 19 mới là giai đoạn khai phá và hình thành nền tảng quan trọng cho ngành ngôn ngữ học. Trong đó, các nghiên cứu về ngôn ngữ học so sánh, ngữ âm học đã tạo ra nền tảng để ngôn ngữ học trở thành một ngành khoa học độc lập vào thế kỷ 20.
Sự xuất hiện của trường phái ngôn ngữ học so sánh (Comparative Linguistics) ở thế kỷ 19 là một trong những phát triển quan trọng nhất trong ngôn ngữ học. Trường phái này nghiên cứu lịch sử của các ngôn ngữ, so sánh các ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với nhau để xây dựng một lý thuyết chung về nguồn gốc và sự tiến hóa của ngôn ngữ. Đồng thời, giai đoạn này cũng chào đón sự ra đời của ngữ âm học (Phonetics), tập trung vào việc phân tích các âm thanh của ngôn ngữ, cách các âm được phát âm và các đặc tính vật lý của âm thanh. Mặc dù, đây đều là các phương pháp hỗ trợ cho việc nghiên cứu các khía cạnh khác của ngôn ngữ như âm thanh, ngữ pháp và từ vựng, nhưng ít chú trọng đến cấu trúc nội tại và chức năng giao tiếp của ngôn ngữ trong đời sống thực tiễn.
Thế kỷ 20, châu Âu trải qua nhiều bước ngoặt lớn trong lịch sử xã hội và văn hóa. Sau khi đế chế Áo – Hung sụp đổ, Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc ngày nay) được thành lập vào năm 1918 và Praha (Prague) trở thành thủ đô của quốc gia mới này. Sự kiện này đã tạo ra một tình hình chính trị mới và mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và xã hội. Từ một thành phố cổ kính với những ảnh hưởng của Đế quốc Áo trong thế kỷ 19, Praha đã dần chuyển mình trở thành một trung tâm trí thức và nghệ thuật quan trọng ở Trung Âu. Tại đây, các cuộc cách mạng tư tưởng, phong trào chính trị và các xu hướng văn hóa mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 20.
Đặc biệt, trong những năm 1920, một nhóm các nhà phê bình văn học và nhà ngôn ngữ học có ảnh hưởng ở Praha và Brno (Cộng hòa Séc) như: Vilém Mathesius (1882 - 1945), Nikolay Trubetskoy (1890 - 1938), Roman Jakobson (1896 - 1982)… đã thành lập nên Trường phái ngôn ngữ học Praha. Nhóm hoạt động mạnh mẽ trong những năm 1920 – 1930, tạo ra những đóng góp mang tính cách mạng trong việc nghiên cứu ngôn ngữ. Công trình nghiên cứu nổi bật của nhóm là lý thuyết chức năng ngữ nghĩa của Roman Jakobson và lý thuyết cấu trúc ngữ pháp và ngữ âm của Nikolay Trubetskoy. Các lý thuyết được phát triển nhấn mạnh vào việc ngôn ngữ không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin mà còn có chức năng biểu đạt, giao tiếp và tổ chức tư tưởng.
Năm 1928, tại Đại hội Ngôn ngữ học Quốc tế lần thứ nhất, Ngôn ngữ học Praha đã công bố một loạt các luận điểm quan trọng nhằm nhấn mạnh việc nghiên cứu ngôn ngữ như một hệ thống có cấu trúc như: nghiên cứu âm vị học, ngữ pháp và chức năng ngôn ngữ. Những luận điểm này không chỉ làm thay đổi cách thức nghiên cứu ngôn ngữ vào thời điểm đó mà còn tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trong suốt thế kỷ 20. Từ phương pháp nghiên cứu mô tả, liệt kê, phân tích các quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể, trường phái Ngôn ngữ học Praha chuyển sang tập trung nghiên cứu về ngữ nghĩa, chức năng và cấu trúc, mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ. Lý thuyết của nhóm đã ảnh hưởng sâu sắc đến các trường phái nghiên cứu ngôn ngữ học hiện đại như: Ngữ nghĩa học cấu trúc, Ngữ pháp chức năng…
Bên cạnh ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học Praha còn quan tâm đến các lĩnh vực khác như thẩm mỹ học, lý thuyết văn học, dân tộc học và âm nhạc học. Năm 1935, nhóm bắt đầu xuất bản một tạp chí có tên Le mot et l'art du mot (Từ ngữ và Nghệ thuật của Từ ngữ). Tần suất hoạt động liên tục với các bài thuyết trình tại các hội nghị và các ấn phẩm, đã giúp Ngôn ngữ học Praha trở thành một trong những trường phái có ảnh hưởng nhất về tư tưởng ngôn ngữ ở thế kỷ 20.
Nơi chốn khai sinh và thúc đẩy ngôn ngữ học Praha
Là một phần nội tại của văn hóa phương Tây, cà phê và hàng quán cà phê trở thành chất xúc tác thúc đẩy những tư tưởng lớn ra đời, góp phần cải thiện vị thế văn hóa, xã hội của nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ.
Tại Praha, từng là một phần của đế chế Áo – Hung, có đặc trưng của một xã hội đa quốc gia, đa sắc tộc, không gian quán cà phê nơi đây mang tính giao thoa và đa dạng văn hóa. Đồng thời, đời sống văn hóa xã hội của Praha được xây dựng qua một hành trình dài từ những thay đổi chính trị và xã hội lớn, những cuộc cách mạng tư tưởng, đến sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa trí thức và nghệ thuật. Hàng quán cà phê với tính chất là trung tâm thiết yếu của đời sống cộng đồng đã gắn bó mật thiết và đóng góp vào quá trình chuyển mình của xã hội Praha.
Trong giai đoạn diễn ra các cuộc chiến tranh, làm xáo trộn mạnh mẽ đời sống xã hội, hàng quán cà phê trở thành nơi để thảo luận chính trị, những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, và tự do dân chủ. Tại Café Louvre và Café Slavia, phong trào chủ nghĩa dân tộc Séc và các phong trào về quyền tự do cá nhân, cải cách chính trị đã được thảo luận sôi nổi.
Đến giai đoạn Praha phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của khu vực Trung Âu, hàng quán cà phê Praha là trung tâm gặp gỡ của các nhà văn, nhà ngôn ngữ học, triết gia, nghệ sĩ… đến từ nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau như Đức, Áo, Nga, Do Thái... Hàng loạt không gian Café Arco, Café Union, Café Slavia, Café Louvre… đã trở thành điểm đến yêu thích của giới trí thức đương thời, như: nhà văn Franz Kafka, nhà thơ Jaroslav Seifert, nhà viết kịch Václav Havel, nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson và Nikolai Trubetzkoy… Trong bầu không khí tự do, sáng tạo của hàng quán cà phê, giới trí thức đã vượt qua ranh giới xã hội và chính trị, tham gia vào các cuộc đối thoại, trao đổi ý tưởng công khai, hình thành nên các tác phẩm, học thuyết và tư tưởng mới, ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, xã hội toàn châu Âu.
Đặc biệt, trường phái Ngôn ngữ học Praha đã được thành lập tại Café Derby ở Praha, nơi diễn ra các cuộc họp của nhóm trong những năm đầu tiên. Một số thành viên của nhóm Ngôn ngữ Praha gồm Roman Jakobson, Nikolai Trubetzkoy, Jan Mukarovsky và Vilem Mathesius… thường xuyên lui đến các quán cà phê ở Praha để tìm ý tưởng mới và cùng trao đổi để phát triển các lý thuyết ngôn ngữ học có ảnh hưởng sâu rộng. Các hàng quán Café Arco, Café Slavia, Café Union, Café de Paris và Café Louvre là các địa điểm tập trung quen thuộc của nhóm.
Một trong những lý thuyết nổi bật của trường phái Ngôn ngữ học Praha là lý thuyết âm vị học, được phát triển chủ yếu bởi Nikolai Trubetzkoy. Nikolai Trubetzkoy đã có những cuộc thảo luận sâu sắc về âm vị học tại quán cà phê với các thành viên của nhóm và các học giả tri thức khác, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ tại Café Slavia. Những tư tưởng được thảo luận và phát triển trong hàng quán cà phê đã góp phần giúp ông viết nên tác phẩm Principles of Phonology (Nguyên lý về âm vị học), một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngôn ngữ học hiện đại. Tác phẩm không chỉ định hình lại lĩnh vực âm vị học mà còn mở ra các phương pháp phân tích ngôn ngữ theo cấu trúc, từ đó ảnh hưởng đến các lý thuyết khác như ngữ âm học, ngữ nghĩa học và ngữ pháp học hiện đại. Bên cạnh đó, Jan Mukarovsky, một thành viên khác của nhóm, cũng phát triển lý thuyết về cấu trúc văn học (Literary Structuralism) được đúc kết từ những buổi thảo luận tại Café Union và Café Slavia.
Café Slavia đã trở thành biểu tượng của sự giao lưu trí thức và phát triển lý thuyết của nhóm Ngôn ngữ học Praha, được xuất hiện trong một số tác phẩm văn học như: Halleyova kometa của Jaroslav Seifert, Kavárna Slavia của Ota Filip…
Hàng quán cà phê Praha đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nhân loại trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là ngôn ngữ học. Chính từ những cuộc đối thoại sôi nổi và tự do trao đổi ý tưởng tại các quán cà phê, trường phái Ngôn ngữ học Praha đã tạo ra phương pháp nghiên cứu về ngôn ngữ học, mở rộng ranh giới hiểu biết của con người về ngôn ngữ. Qua đó, Praha đã khẳng định vững chắc vị thế là một trung tâm văn hóa sôi động của châu Âu, nơi hội tụ những tinh hoa trí tuệ và nghệ thuật.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao