Du khách bức xúc khi không được đốt vàng mã ở Côn Đảo

Admin
Một số du khách không hài lòng với quy định hạn chế đốt hàng mã ở Côn Đảo vì nghĩ đây là cách thể hiện sự "thành tâm".

Từ 1/7, UBND huyện Côn Đảo triển khai kế hoạch "Nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã" tại các di tích do đơn vị quản lý, gồm miếu Cậu, mộ 75 chiến sĩ, miếu Thổ địa, An Sơn miếu, chùa Núi Một, miếu Ngũ Hành. Theo Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, lượng người dân, du khách dâng cúng, đốt vàng mã tại các di tích trên địa bàn ngày càng nhiều, xuất hiện những vấn đề bất cập, có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang hình thức mê tín dị đoan. Vì thế, huyện muốn tiến tới việc "nói không với cúng, đốt hàng mã".

Quyết định này gây ra tranh cãi khi một số du khách nghĩ hạn chế đốt hàng mã khiến họ "khó thể hiện sự thành tâm". Bà Dung, 62 tuổi, sống ở Hải Phòng, đến miếu Thổ địa hôm 2/7, bức xúc vì không được dâng các lễ vật cúng và bị cấm đốt vàng mã. Bà nói đã vượt đường xa xôi để vào "thành tâm dâng lễ" nên "thấy vô lý" khi được yêu cầu không đốt vàng mã.

Bà Lan Linh, du khách Hà Nội, cũng bức xúc khi đến miếu Cậu hôm 3/7 mới biết không được đốt vàng mã. Theo bà, đốt vàng mã là phong tục cổ truyền, cần được trân trọng. Bà nhận thấy ở các điểm du lịch tâm linh hầu hết chỉ để cây hương nhỏ, "khó thể hiện hết lòng thành". Một số người dân ở Côn Đảo cũng cho biết không đồng tình vì thấy đốt hàng mã là hoạt động tự do tín ngưỡng.

Du khách đốt nhang tại miếu Cậu, Côn Đảo hôm 3/7. Ảnh: Chí Kha

Du khách đốt nhang tại miếu Cậu, Côn Đảo hôm 3/7. Ảnh: Chí Kha

Bà Trần Thị Hoài Thu, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Côn Đảo, nói mục đích của kế hoạch là giữ gìn môi trường trong lành cho người dân, du khách, phòng chống cháy nổ, bài trừ mê tín dị đoan, hướng tới du lịch văn minh. Đại diện đơn vị thừa nhận bước đầu áp dụng khó tránh khỏi sự phản đối nhưng sẽ phối hợp với các điểm di tích để du khách có trải nghiệm tốt hơn.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo đã lắp đặt bảng tuyên truyền về chủ trương hạn chế, dừng cúng đốt vàng mã tại các điểm di tích gồm nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo, Trại 2, Trại 4, Trại 7; đồng thời thường xuyên phát loa, video tuyên truyền về chủ trương.

Tại các điểm di tích, ban quản lý bố trí bàn hướng dẫn, các mâm inox (thay thế mâm nhựa) để du khách đặt lễ và có đầy đủ hương miễn phí nhưng là loại ngắn, nhằm giảm khói ra môi trường. Ngoài ra, một số người dân địa phương cũng tham gia vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn du khách ở các điểm du lịch.

Theo Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, trung bình khoảng 1.400-1.600 bộ vàng mã được đốt tại các điểm di tích mỗi ngày, gây khói bụi độc hại, nguy cơ cháy nổ.

Loại hương ngắn được sử dụng ở các điểm di tích tại Côn Đảo. Ảnh: Chí Kha

Loại hương ngắn được sử dụng ở các điểm di tích tại Côn Đảo. Ảnh: Chí Kha

Ngoài ý kiến phản đối, nhiều du khách lại đồng tình với chủ trương của Côn Đảo. Ông Lê Hà Anh Tuấn, sống tại TP HCM, đang du lịch Côn Đảo, chia sẻ sự hài lòng khi đến miếu Cậu chiều 3/7.

"Cây hương ngắn, nhỏ tỏa ít khói hơn, việc cúng bái cũng diễn ra trật tự, chỉ thắp hương bên ngoài", ông nói, cho biết rất khó chịu khi tới những điểm du lịch tâm linh nhưng "khói bay mịt mù, cay xè mắt".

Chí Kha, hướng dẫn viên du lịch, cũng đánh giá kế hoạch này là điểm tích cực của du lịch Côn Đảo thời gian gần đây. Anh nói trước kia, các điểm du lịch tâm linh ở Côn Đảo thường mịt mù khói hương, gây khó chịu. Hướng dẫn viên cho biết các thành viên trong đoàn đều hưởng ứng với việc chỉ thắp một nén hương ngắn ở những điểm du lịch tâm linh.

Theo phòng Văn hóa thông tin huyện Côn Đảo, sau hai năm triển khai thí điểm, đơn vị nhận được sự đồng thuận cao từ người dân và du khách, số ít chưa đồng tình chủ yếu do chưa nắm được thông tin trước khi tới. Trong thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách.

Tú Nguyễn - Anh Tuấn