Sức hút thị giác trong tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Quang Huy 

Báo Du lịch
Để có một tác phẩm đẹp, họa sĩ Trần Quang Huy thường để tâm thức tự dẫn dắt cảm xúc cuộc chơi với nghệ thuật. Thậm trí, có những lần vì sợ để vuột mất cảm xúc, ông đã thức rất khuya để hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên, theo ông đấy là những lần may mắn.

Sức hút thị giác trong tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Quang Huy

suc-hut-thi-giac-trong-tranh-truu-tuong-cua-hoa-si-tran-quang-huy-van-hoa-gaiir-tri-baodulich-1-1695713096.jpg
Trần Quang Huy đã thử thách bản thân bằng việc từ bỏ lối vẽ biểu hiện để chuyển sang trừu tượng

Trần Quang Huynh là một trong 5 thành viên của nhóm “Five new faces”, nên họa sĩ từng tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, quốc tế. Ngoài ra, ông còn có 3 triển lãm cá nhân vào cuối thập niên 1990 và có tác phẩm trong nhiều sưu tập tư nhân.

Nghệ thuật cần có sự nhẫn nại, tỉ mỉ và cả sự may mắn

Trong sáng tác, Trần Quang Huy đã thử thách bản thân bằng việc từ bỏ lối vẽ biểu hiện để chuyển sang trừu tượng. Được đào tạo bài bản trong ngôi trường mỹ thuật nổi tiếng, Trần Quang Huy đã đem những kiến thức được học để thử tài ở một thể loại tranh xưa nay vốn vẫn được mặc định là khó xem và khó thưởng thức.

suc-hut-thi-giac-trong-tranh-truu-tuong-cua-hoa-si-tran-quang-huy-van-hoa-gaiir-tri-baodulich-2-1695713105.jpg
Trần Quang Huy nói vui rằng, nghề hội họa cô độc với bảng màu và bút pháp và cũng khá giống với nghề đi câu. Không chỉ cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ mà đôi khi còn cần tới cả sự may mắn mới có được một tác phẩm đẹp

Trước tấm toan trắng, ông để tâm thức tự dẫn dắt cuộc chơi với nghệ thuật. Tức là, những kỷ niệm, cảm xúc của một thời đã qua đưa ông đến với các hình mảng, màu sắc. Vì thế, có những lần vì sợ để vuột mất cảm xúc, ông đã thức rất khuya để hoàn thành tác phẩm. Đấy là những lần may mắn. Còn trong sáng tác, Trần Quang Huy đã từng rơi vào bế tắc và buộc phải buông bút. Do vậy, có những bức, ông vẽ hàng năm mới xong nhưng có những bức, chỉ mất vài ngày đã hoàn thành. Trần Quang Huy nói vui rằng, nghề hội họa cô độc với bảng màu và bút pháp và cũng khá giống với nghề đi câu. Không chỉ cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ mà đôi khi còn cần tới cả sự may mắn mới có được một tác phẩm đẹp. Vì để tâm thức tự dẫn dắt nên nhiều khi việc xóa đi vẽ lại nhiều lần, lớp màu này chồng lớp màu khác lại vô tình mang lại những hiệu quả thẩm mỹ… vi diệu. Tức là, họa sĩ cũng bất ngờ với đứa con tinh thần của mình, còn người xem thì cứ lấn cấn mãi vì không biết đoạn này trong bức tranh, họa sĩ đã sử dụng phương pháp gì mà thú vị như vậy.

Kiên định với con đường đã chọn

Sau lần triển lãm năm 2022 – “Mông du”, khổ tranh hiện nay để ông sáng tác đã to hơn. Những vệt màu ngày một nhuần nhuyễn và cũng lơ lửng và siêu thực hơn. Trần Quang Huy cho biết, trong khi thể loại tranh biểu hiện rất gần gũi với người xem. Nhưng điều khiến ông thích thú và đắm chìm trong ở trừu tượng chính là việc biến những biểu hiện, hiện thực thành trừu tượng. Có nghĩa, ai nhìn tranh ông vẽ cũng cảm thấy quen quen, một góc phố, một con đường làng, khung cảnh miền núi hiểm trở… nhưng lại được biến tấu trong những hình hài khác thực tế, được bóp méo, cách điệu. Vì thế, mỗi lần xem cũng bức tranh ấy nhưng lại thấy mới, thấy khác, một cảm giác thân quen nhưng cũng lại xa lạ luôn hiện diện trong tranh trừu tượng của Trần Quang Huy. Cứ nhắm mắt lại, người xem lại có thể tưởng tượng ra một dòng song, một ngọn núi, gợi mở ra một không gian cho người xem.

suc-hut-thi-giac-trong-tranh-truu-tuong-cua-hoa-si-tran-quang-huy-van-hoa-gaiir-tri-baodulich-4-1695713083.jpg
Điểm thú vị trong tranh trừu tượng Trần Quang Huy còn nằm ở cảm giác lơ lửng và siêu thực, không cụ thể ở một không gian nào, lúc tĩnh, lúc lặng, bâng quơ, trống trải.

Bên cạnh đó, điểm thú vị trong tranh trừu tượng Trần Quang Huy còn nằm ở cảm giác lơ lửng và siêu thực, không cụ thể ở một không gian nào, lúc tĩnh, lúc lặng, bâng quơ, trống trải. Những mảng màu, nét bút đặt cạnh nhau, khi đối chọi, lúc lại nâng đỡ nhau để cùng đưa người xem bước vào một không gian được vẽ từ chính các sự vật, hiện tượng trong đời sống, nhưng lại gây hứng thú cho thị giác bởi cảm giác hư ảo, không thật. Để tạo ra được không gian như thế trong tranh, tạo ra cảm giác “đã mắt” đối người xem, họa sĩ làm việc vất vả, vẽ trong vật vã và cả trong sự thăng hoa. Vẽ tranh trừu tượng thì họa sĩ trước hết cũng phải “trừu tượng” trong đời sống, có nghĩa, những chuyện cơm áo gạo tiền đều gạt sang một bên, để lơ lửng cùng màu, cùng mảng miếng. Họa sĩ chia sẻ, khi theo đuổi dòng tranh trừu tượng, ông thấy mình có nhiều năng lượng để biểu hiện trên toan. Dù trước đó là sự vô định nhưng càng vẽ, ông càng thấy thích, đó cũng là cái thú của họa sĩ tranh trừu tượng. Dù là trừu tượng đấy nhưng hiệu quả mang lại với người xem là thật, hiện hữu, đó cũng là lý do ông có thêm động lực để theo đuổi dòng tranh này dài lâu.

Nguồn: Vietnamnet, baophunuthudo