Thị trường tranh Việt vẫn sơ cấp, thiếu chuyên nghiệp

TP - Những năm gần đây, thị trường mỹ thuật Việt Nam có những bước chuyển tích cực, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ sức mua từ các nhà sưu tầm trong nước.

Theo giám

Không ít các họa sĩ đương đại Việt đang giao dịch tranh từ vài nghìn tới thậm chí cả trăm nghìn USD trong thị trường sơ cấp

Sự gia tăng số lượng các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đạt mức giá triệu USD trên thị trường quốc tế là một tín hiệu tích cực, khẳng định sức hút và giá trị của nghệ thuật Việt Nam trong mắt các nhà sưu tầm và giới chuyên môn toàn cầu. Đáng chú ý, số lượng tranh Đông Dương được các nhà sưu tầm Việt Nam mua về cũng được tính là con số “đáng kể”. Mới đây nhất, bức Em bé ôm gà thuộc dòng mỹ thuật Đông Dương của Lê Phổ đã được một nhà sưu tầm Việt Nam mua lại từ Mỹ.

Trong một cuộc trò chuyện về sức khỏe nghệ thuật diễn ra tại Hà Nội, giám tuyển Ace Lê chia sẻ: “Trong hơn 30 năm qua, các tác phẩm của danh họa Việt thường được giao dịch bởi các nhà sưu tầm phương Tây. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Việt sẵn sàng chi trả mức giá cao để đưa các tác phẩm này trở về quê hương”.

Vị giám tuyển này cũng cho biết, sau 30 năm kinh doanh tranh của các danh họa Việt với những suy nghĩ và hệ giá trị “vị phương Tây”, sàn Sotheby’s thấy rõ nhu cầu hồi hương tranh của nhà sưu tầm Việt nên đã tuyển dụng người trong nước để phụ trách, quảng bá, trao đổi tranh bằng tiếng Việt.

“Ở giai đoạn đất nước mới mở cửa, có khoảng 90% là người mua nước ngoài vì đơn giản họ có thu nhập cao hơn. Bây giờ thì ngược lại, 70% người mua hầu hết là trong nước. Họ mua cả tranh Đông Dương vốn là tranh có giá trị cao và thanh khoản cao, mua cả tranh nghệ sỹ trẻ”, Ace Lê nói. Trên thực tế, không ít các họa sĩ đương đại Việt đang giao dịch tranh từ vài nghìn tới thậm chí cả trăm nghìn USD trong thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, hiện nay đa số tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam đều chưa xuất hiện trên sàn đấu giá, dù giao dịch sơ cấp bên ngoài nhiều, chủ yếu bán qua gallery, môi giới độc lập hoặc trực tiếp từ studio của họa sĩ.

“Tranh giả không chỉ là vấn đề riêng của một thị trường nhỏ mà còn là rào cản lớn đối với việc xây dựng hình ảnh và giá trị nghệ thuật quốc gia. Nếu không giải quyết triệt để, nó sẽ tiếp tục kìm hãm sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam, ảnh hưởng đến cả trong nước lẫn quốc tế. Đây là lúc cần sự chung tay từ các nghệ sĩ, nhà quản lý và người yêu nghệ thuật để lấy lại niềm tin và khẳng định vị thế của tranh Việt trên bản đồ thế giới”.

Giám tuyển Huy Quân

Sự gia tăng về giá trị này cho thấy, không chỉ các nhà sưu tầm mà cả những người mới gia nhập thị trường cũng dần nhận ra tiềm năng đầu tư vào nghệ thuật đương đại.

Thị trường tranh Việt vẫn sơ cấp, thiếu chuyên nghiệp ảnh 2

Bức “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ có giá 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá tại Hong Kong (Trung Quốc)

Thị trường tranh Việt vẫn sơ cấp, thiếu chuyên nghiệp ảnh 3

Tranh “Em bé ôm gà” của Lê Phổ là tác phẩm mỹ thuật Đông Dương

được hồi hương từ Mỹ

Bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery xác định, việc tập trung đầu tư cho các họa sĩ mới rất vất vả, đặc biệt khi phòng tranh này chọn đi theo hướng quảng bá cho các tác giả, tác phẩm đương đại tiềm năng. “Tôi tin chúng ta đã bắt đầu có một thị trường, nhưng các tác giả trẻ không thể mong sinh lời ngay trong 5-7 năm đầu, mà luôn phải tính bằng nhiều thập kỷ. Hãy cứ là người mua và sưu tầm, tận hưởng năng lượng của sự sáng tạo trước khi coi nó là một món đầu tư”.

Thị trường còn sơ cấp

Mặc dù thị trường mỹ thuật Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng, thị trường này còn ở giai đoạn sơ cấp và thiếu tính chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu vắng của một hệ thống thị trường mỹ thuật thực sự. Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho rằng: “Việt Nam chỉ mới có dấu hiệu mà chưa có thị trường mỹ thuật thật sự. Người chơi tranh không nhiều mà người chơi có tầm lại ít, dẫn đến giá tranh giao dịch trên thị trường trong nước chưa tương xứng với giá trị thật của tác phẩm”.

Thêm vào đó, tình trạng tranh giả tràn lan cũng làm giảm uy tín của thị trường. Tờ New York Times từng nhận định, thị trường tranh Việt Nam đầy rẫy sự gian lận, với nhiều tác phẩm giả mạo được bán ra, làm giảm niềm tin của người mua và ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của tranh Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những tác phẩm giả mạo không chỉ nhắm đến tranh của các danh họa nổi tiếng thời Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ hay Vũ Cao Đàm, mà còn lan sang cả các họa sĩ đương đại.

Ngoài ra, việc thiếu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, như các sàn đấu giá chuyên nghiệp, các nhà môi giới và giám tuyển có kinh nghiệm, cũng là rào cản lớn. Nghệ thuật đương đại Việt Nam đang đứng ở vị trí nhìn đâu cũng thấy bứt rứt: thiếu nhà môi giới, thiếu giám tuyển, chỉ tồn tại một vài sàn đấu giá cái này nổi lên cái kia lại dỡ xuống và thị trường còn mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo được dòng chảy.

Tình trạng này dẫn đến việc các họa sĩ phải tự mình bán tranh thông qua các mối quan hệ cá nhân hoặc các kênh trực tuyến, thay vì thông qua các gallery hoặc sàn đấu giá chuyên nghiệp. Một nhà sưu tập ở TPHCM cho rằng, phổ giá tranh đương đại hiện không quá 10.000 USD/bức nếu họa sĩ đã thành danh, còn bình quân chỉ khoảng 1.000-3.000 USD/bức.

Nhà sưu tầm Hoàng Anh Tuấn nhận định về bản chất, thị trường nghệ thuật không bao giờ có được tính minh bạch cũng như tính thanh khoản cao như thị trường hàng hóa tiêu dùng thông thường.

Ông nhận định, phí gia nhập của những mặt hàng tiêu dùng thông thường rất rõ ràng, nhưng phí gia nhập của nghệ thuật thì lớn, trở thành một rào cản. Thêm vào đó, tranh lại là mặt hàng mang tính độc bản chứ không thể sản xuất hàng loạt, định giá của tác giả về tác phẩm của mình có thể rất chủ quan.

Giám tuyển Ace Lê cho rằng, để tạo dựng một thị trường tranh khỏe mạnh, mục tiêu tăng cường tiếp cận của công chúng Việt với nghệ thuật là quan trọng nhất. Ngoài ra, các hạ tầng cơ sở như khung chính sách, luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia cũng rất cần thiết để làm nền tảng vững chắc cho một thị trường tranh lành mạnh, sôi động. Thứ đến là hệ thống giáo dục, cần có bộ môn tiếp cận tới mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật cho trẻ em; đi kèm với hệ thống bảo tàng, gallery rộng khắp để đưa nghệ thuật đến gần với công chúng hơn.

Link nội dung: https://baodulichvn.com/thi-truong-tranh-viet-van-so-cap-thieu-chuyen-nghiep-a31737.html