Người hiền của văn chương Nam bộ

TP - Hội Nhà văn TPHCM vừa tổ chức tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của nhà văn Trang Thế Hy nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Đánh giá về sự nghiệp văn chương của nhà văn Trang Thế Hy, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: “Trang Thế Hy là người hiền của Văn chương Nam bộ”. Theo Nguyên Ngọc, Trang Thế Hy đã rất có ý thức trong việc sử dụng và phát huy tác dụng của ngôn ngữ Nam bộ trong các tác phẩm của mình. Từng lời, từng chữ khi được đưa vào tác phẩm luôn được Trang Thế Hy lựa chọn, cân nhắc kỹ.

Người hiền của văn chương Nam bộ ảnh 1

Sách của nhà văn Trang Thế Hy

Nhà văn Nguyên Ngọc còn cho rằng nhà văn Trang Thế Hy có nhiều tương đồng với “bậc thầy về chữ nghĩa” là nhà văn Nguyễn Tuân. “Ta đã biết Nguyễn Tuân độc đáo trong ngôn ngữ Việt của ông như thế nào. Ông “chơi” rất tinh, đến cầu kỳ nhiều khi trên từng con chữ. Trang Thế Hy cũng chẳng kém, tài hoa cũng chẳng kém, cũng chơi trên từng con chữ nhưng ông rất Nam bộ, rất miền Tây... Ông kỹ lắm, trên từng con chữ, cũng nhâm nhi từng chữ chẳng thua gì ông Nguyễn Tuân kia đâu... Một ông Nguyễn Tuân rất Nam bộ, phóng khoáng. Cái phóng khoáng của những cánh đồng cò bay thẳng cánh miền Tây” - nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét.

Đồng tình với Nguyên Ngọc, Ths Văn học Đoàn Thị Nhung cũng cho rằng Trang Thế Hy là một nhà văn Nam bộ chính gốc, gắn bó và am hiểu quê hương Nam bộ. Chất Nam bộ ấy thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm của ông.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, công chúng và đồng nghiệp không còn thấy bóng dáng gầy gò, trầm tư của Trang Thế Hy trên cõi đời gần 10 năm nay (ông mất năm 2015) nhưng tác phẩm và nhân cách của ông vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều trong những buổi sinh hoạt văn chương. Trang Thế Hy viết không nhiều, ông chỉ có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và bốn tiểu thuyết được in nhiều kỳ trên nhật báo nhưng cả đời ông luôn tận tụy và nghiêm cẩn với từng con chữ mình viết ra để có thể làm một “người bào chế thuốc giảm đau” bằng chữ nghĩa.

Các đại biểu thống nhất rằng trong suốt cuộc đời, Trang Thế Hy luôn đi tìm vẻ đẹp của văn chương. Điều thú vị là ông tìm vẻ đẹp đó trong những số phận đời thường, trong những mảnh ghép không hoàn hảo nhưng vẫn khiến người đọc xúc động. Chính vì thế, văn chương Trang Thế Hy rất khác Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo… Ông tạo ra cho mình một quan niệm, một phong cách sáng tác riêng và tạo vẻ đẹp riêng trong chùm hoa văn chương miền Nam.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924 tại Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông hoạt động cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975, ông sinh hoạt văn nghệ tại TPHCM và làm biên tập viên tại báo Văn nghệ TPHCM. Ông từng đoạt Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965), giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994, giải thưởng loại A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2001. Ngày 15/1 tới, Hội Nhà văn TPHCM sẽ truy tặng giải thưởng Cống Hiến cho nhà văn Trang Thế Hy.

Link nội dung: https://baodulichvn.com/nguoi-hien-cua-van-chuong-nam-bo-a31700.html