Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng

(Chinhphu.vn) - Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam định hướng phát triển hình thức du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng- Ảnh 1.

Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam (Đề án).

Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đặc trưng của mỗi địa phương

Quan điểm chính của Đề án là phát triển du lịch cộng đồng bền vững; phát huy giá trị lợi thế tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan, không gian và bảo vệ môi trường.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đặc trưng của mỗi địa phương, đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Huy động các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; lồng ghép với các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021- 2025.

Định hướng phát triển hình thức du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng. Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của quốc tế và khu vực ASEAN (Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng của ASEAN) đối với hoạt động du lịch cộng đồng.

Bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân

Mục tiêu của Đề án là cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Hình thành đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.

Phấn đấu 20% điểm du lịch cộng đồng được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Có ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 20% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 10% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.

Truyền dạy văn hóa phi vật thể, sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, phát huy văn hóa phi vật thể, bảo tồn lễ hội tại các điểm du lịch cộng đồng. Xây dựng, hỗ trợ đầu tư ít nhất 10 điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 10% làng nghề truyền thống mỗi huyện nông thôn mới có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Phấn đấu 20% điểm du lịch cộng đồng được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng tại Việt Nam được giới thiệu, quảng bá; 10% điểm du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.

Nghiên cứu quy định về xây dựng các tổ chức quản lý hoạt động du lịch cộng đồng hiệu quả tại các điểm du lịch cộng đồng. Nghiên cứu, xây dựng các khung định mức về chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng làm cơ sở cho các địa phương áp dụng trên cơ sở nguồn lực của địa phương. Nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng thí điểm một hoặc nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại những các địa phương có lợi thế về du lịch làm mô hình thí điểm Làng nghề du lịch cộng đồng. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên toàn quốc.

Đến năm 2030, cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các trung tâm du lịch lớn, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông.


Link nội dung: https://baodulichvn.com/phat-trien-du-lich-cong-dong-theo-huong-chuyen-nghiep-hoa-tien-toi-hinh-thanh-lang-nghe-du-lich-cong-dong-a31445.html