Đóng góp vào GDP của ngành tăng 11,2%
Sáng 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Bộ đã quán triệt tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2024 đó là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" và thực hiện chủ đề năm 2024 của ngành Thông tin và Truyền thông "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động"...
Năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023.
Đóng góp vào GDP của ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 2% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông và hạ tầng số đã được phủ rộng khắp, với tỉ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số, trong khi nước thu nhập gmo đạt trung bình 99,4%; tỉ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 82,9%, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đã đặt ra đến năm 2025 tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.
Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.
Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 "kiểu mẫu" (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia "làm gương", đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.
Tháng 11/2024, Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam, theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.
Động lực phát triển kinh tế số, xã hội số
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tích cực, chủ động tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số, hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Luật Công nghiệp công nghệ số hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2023 quốc gia là 0,7326 tăng trưởng 3% so với năm 2022 (0,7111), tăng 50,8% so với năm 2020 (0,4858). Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 12/2024 là 1,031 tỷ giao dịch (tăng 56% so với năm 2023).
Chỉ riêng năm 2024, số giao dịch thông qua nền tảng NDXP bằng 1/2 tổng số giao dịch của 4 năm trước đó.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã rà soát và công bố hơn 150 nền tảng số từ các bộ, ngành và địa phương nhằm tối ưu hóa đầu tư, tránh chồng lấn và lãng phí. Năm 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo được thúc đẩy ứng dụng để hướng tới cung cấp AI như một dịch vụ.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành 1 Nghị quyết của Bộ Chính trị; Chính phủ thông qua 2 hồ sơ đề nghị xây dựng luật, ban hành 4 Nghị quyết Chính phủ, 7 Nghị định Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Quyết định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện và ban hành theo thẩm quyền 26 Thông tư.
Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng 2 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Luật Bưu chính, 6 Nghị định Chính phủ, 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội.
Đồng thời, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Link nội dung: https://baodulichvn.com/doanh-thu-toan-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-dat-hon-42-trieu-ty-dong-a30919.html