Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024

Giữa một thế giới có nhiều biến động, đối ngoại Việt Nam đã thể hiện những bản sắc riêng, giúp nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

1. Mở rộng mạng lưới Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trong năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với 3 nước Australia (nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính 3/2024), Pháp (nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, 10/2024) và Malaysia ((nhân chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, 11/2024).

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp và Malaysia. 

Điều này cho thấy Việt Nam nhất quán việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với những quốc gia quan trọng trên thế giới phù hợp với lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới, trên tinh thần đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

2. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19- 20/6/2024.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024- Ảnh 1.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Đây là lần thứ 5 Tổng thống Putin sang thăm Việt Nam trên cương vị là người đứng đầu Liên bang Nga.

Chuyến thăm đã góp phần tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai.

3. Tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ Việt – Trung

Năm 2024 là một năm sôi động của quan hệ Việt – Trung, nổi bật là việc hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ 18-20/8/2024.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024- Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, 8/2024.

Từ ngày 12-14/10, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cũng đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.

Tại các chuyến thăm, hai nước tiếp tục khẳng định sự coi trọng quan hệ song phương; đều coi việc ưu tiên phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là lựa chọn chiến lược; đều khẳng định ủng hộ nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước.

4. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm hữu nghị nhiều quốc gia

Trong năm 2024, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chuyến thăm đến các quốc gia nhằm cụ thể hóa chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa quan hệ với các nước trên thế giới, khu vực đi vào chiều sâu, ổn định và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo sự đan xen lợi ích nhằm củng cố vị thế của nước ta và bảo đảm lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Đồng chí Tô Lâm đã thăm cấp Nhà nước tới Lào, Campuchia (trên cương vị Chủ tịch nước), Mông Cổ, Ireland, Pháp, Trung Quốc, Cuba.. (trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước), Malaysia (trên cương vị Tổng Bí thư); Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile và Peru; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Ấn Độ, Brazil, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Qatar,….Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm chính thức Nga, Campuchia, Lào, Singapore, Nhật Bản…

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024- Ảnh 3.

Lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Cộng hòa Peru.

5. Hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo các quốc gia đến Việt Nam

Trong năm 2024, lãnh đạo của nhiều quốc gia đã đến thăm Việt Nam như: Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Mozambique, Tổng thống Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Cuba, Tổng thống Guinea-Bissau, Tổng thống đắc cử Indonesia, Phó Tổng thống thường trực Venezuelavà nhiều chuyến thăm quan trọng khác.

Đây là minh chứng cho thấy mạng lưới các mối quan hệ đối tác của Việt Nam tiếp tục được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, sự tin cậy chính trị ngày càng lớn, đan xen lợi ích được tăng cường; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. 

Giữa bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu biến động phức tạp dẫn đến những thách thức không hề nhỏ, ngoại giao Việt Nam đã thể hiện những bản sắc riêng, giúp nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024- Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

6. Khẳng định các cam kết đa phương của Việt Nam trong một thế giới nhiều biến động

Trên tinh thần xác định đối ngoại đa phương là một nội dung quan trọng trong quan điểm về đối ngoại, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động đa phương như chuỗi các hội nghị cấp cao và quan trọng của ASEAN; Tuần lễ Cấp cao Khóa 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2024; Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11, Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8) và nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác.

Tại các diễn đàn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ việc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế mới, với khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và với niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng. 

Đồng thời kêu gọi các quốc gia kết nối, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển đổi to lớn, mang tính thời đại, tác động đa chiều tới mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp.

Việt Nam cũng khẳng định cam kết kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hoá, đa dạng hoá, vì hoà bình, hợp tác và phát triển; tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024- Ảnh 5.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.

7. Ngoại giao kinh tế giữ vai trò trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại

Thủ tướng tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp năng lượng hàng đầu của NgaThủ tướng tiếp lãnh đạo tập đoàn tín hiệu đường sắt lớn nhất thế giới

Trong năm 2024 là nội dung kinh tế giữ vai trò trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao. 

Trong các chuyến thăm, công tác nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều chú trọng việc thúc đẩy mở rộng, đưa hợp tác kinh tế phát triển vào chiều sâu, thiết thực, gắn với các cam kết, thỏa thuận, dự án, sản phẩm cụ thể, thu hút nguồn tài chính, đầu tư; với nhiều nội hàm quan trọng, phù hợp với xu thế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới…

Ngoại giao kinh tế chủ động, tích cực làm cầu nối hỗ trợ, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ "nút thắt", rào cản thương mại, khôi phục, mở rộng thị trường, tìm kiếm hướng đi mới, xây dựng, phát triển, bảo hộ thương hiệu…, cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; khắc phục đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Qua đó, ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp, quan trọng vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.

8. Những tình cảm quý trọng mà bạn bè quốc tế dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà ngoại giao xuất sắc, mang tầm thời đại của Việt Nam

Với nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm tư duy chiến lược, tạo bước phát triển mới cho nền đối ngoại Việt Nam. 

Đó là phát huy vai trò tiên phong của nền ngoại giao toàn diện, hình thành và lãnh đạo thực hiện hiệu quả nghệ thuật ngoại giao thời đại mới. Với vai trò của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm trên trường quốc tế; không ngừng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền chính trị quốc tế, nền kinh tế thế giới và nền văn minh nhân loại.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn đối ngoại năm 2024- Ảnh 6.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà ngoại giao xuất sắc, mang tầm thời đại của Việt Nam.

Được tin cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, trong 2 ngày 25-26/7/2024 đã có hơn 3.000 đoàn quốc tế tới viếng tại 94 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó nhiều nước có lãnh đạo cấp cao.

Tại Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có 32 đoàn quốc tế vào viếng hoặc gửi vòng hoa chia buồn tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội, 64 đoàn quốc tế vào viếng tại Tp.Hồ Chí Minh. Trong đó có 27 đoàn lãnh đạo các nước tới Việt Nam tham dự lễ viếng.

Đã có 101 nước/vùng lãnh thổ; 21 tổ chức/diễn đàn quốc tế với 392 thư, điện, thông điệp chia buồn. Trong đó kênh Đảng là 115 thư và điện chia buồn, kênh nhà nước là 140 thư và điện chia buồn, kênh nhân dân là 137 thư và điện chia buồn.

Tất cả nói lên những tình cảm chân thành, quý trọng mà bạn bè quốc tế dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và rộng hơn là Việt Nam.

Link nội dung: https://baodulichvn.com/goc-nhin-nguoi-dua-tin-nhung-diem-nhan-doi-ngoai-nam-2024-a30869.html