Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804, là nơi vua làm việc hằng ngày và nơi tổ chức Lễ thiết Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hằng tháng; nơi tổ chức các lễ Nguyên đán, Vạn thọ Đại khánh, cũng như yến tiệc vào các dịp khánh hỷ.
Tháng 2/1947, ngôi điện bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại phần nền móng. Trải qua hơn 60 năm nghiên cứu, đặc biệt từ giai đoạn từ năm 2000 đến 2024, công cuộc nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tư liệu có giá trị từ các thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, các chuyên gia của UNESCO và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, công cuộc nghiên cứu đã có đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai dự án phục hồi ngôi điện quan trọng này.
Dự án sẽ nỗ lực tu bổ, phục dựng lại tổng thể kiến trúc nội ngoại thất và cảnh quan của điện Cần Chánh tiệm cận với nguyên bản. Dự án có kinh phí gần 200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong 4 năm.
Sau công trình điện Kiến Trung, đây sẽ là cung điện thứ hai trong khu vực Tử Cấm thành Huế được phục dựng.
Sau hơn 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa vật thể và hơn 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với các di sản tư liệu, ký ức được ghi danh, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Anh
Link nội dung: https://baodulichvn.com/tu-bo-phuc-hoi-di-tich-dien-can-chanh-noi-vua-lam-viec-hang-ngay-a30514.html