Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm

Người mua này đã “săn” 7-Eleven trong suốt 20 năm.

Hành trình thu mua lại công ty mẹ bên Mỹ của 7-Eleven Nhật Bản là cả một câu chuyện về nghệ thuật bán hàng, hậu cần cũng như cách tạo nên cả một văn hóa siêu thị tiện lợi.

Những cửa hàng lộn xộn

7-Eleven là chuỗi cửa hàng siêu thị tiện lợi nổi tiếng của Nhật Bản được biết đến rộng rãi với những món như cơm nắm, bánh sandwich hay siro đá nghiền.

Giờ đây, các nhà đầu tư nước ngoài chưa bao giờ hứng thú với chuỗi siêu thị này nhiều như hiện nay khi tập đoàn Couche-Tard, ông chủ của Circle K đề nghị mua lại cổ phần chi phối trị giá 47 tỷ USD.

Tất nhiên, các cổ đông Nhật Bản không dễ dàng chấp nhận khi tổng giá trị 7-Eleven ước tính lên đến 80 tỷ USD, chưa kể đến những giá trị văn hóa của siêu thị này đại diện cho Nhật Bản.

Lấy ví dụ món siro đá nghiền, chỉ với 1-2 USD mỗi cốc nhưng 7-Eleven đã bán được 153 triệu cốc năm 2023.

Công ty mẹ Seven & i của 7-Eleven có trụ sở tại Tokyo có đến 85.000 cửa hàng trải dài trên 19 quốc gia, tạo nên một biểu tượng văn hóa trở thành niềm tự hào của Nhật Bản.

Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm- Ảnh 1.

Bởi vậy Seven & i đã từ chối lời đề nghị ban đầu của ông chủ Circle K vì người Nhật Bản không muốn món cơm nắm của mình cũng như nhiều món ăn địa phương được yêu thích khác bị người nước ngoài can thiệp.

Điều trớ trêu là 7-Eleven lại ra đời tại Mỹ chứ không phải Nhật Bản, phải mãi đến thập niên 1990 thì siêu thị này mới được một công ty Nhật Bản mua lại rồi biến thành nhà bán lẻ tiện lợi lớn nhất thế giới nhờ chế độ quản lý hàng tồn kho và hậu cần tiên tiến.

Thương hiệu màu xanh lá cây và cam của 7-Eleven đã xuất hiện khắp mọi nơi với những món đặc trưng như cơm nắm Nhật Bản hay bánh sandwich gà trên đất Mỹ.

Dù mỗi cửa hàng của 7-Eleven không lớn như Walmart hay Target, thậm chí trông lộn xộn và chật cứng nhưng khoảng 3.000 sản phẩm tại mỗi chi nhánh lại được chọn lọc bằng dữ liệu chi tiết cho phép mỗi cửa hàng điều chỉnh theo thói quen và khẩu vị của người dân địa phương.

Ví dụ có những chi nhánh bán nhiều bánh quy hơn trong khi địa điểm khác lại bán cả bia thủ công để phục vụ thị hiếu bản địa.

Thế rồi những thực phẩm tươi sống cùng khả năng hậu cần cực tốt của 7-Eleven đã khiến siêu thị này có lợi nhuận trong mảng bán lẻ thực phẩm, một điều cực kỳ khó trong ngành.

Tuy nhiên đại dịch Covid-19, lạm phát và sụt giảm sức tiêu dùng đã khiến 7-Eleven cũng không thoát khỏi ảnh hưởng.

Cổ phiếu công ty mẹ Seven & i đã giảm 13% trong 12 tháng trước khi Couche-Tard đưa ra lời chào mua ban đầu vào tháng 8/2024.

Đến tháng 10/2024, Seven & i hạ mức dự báo lợi nhuận cho năm tài chính hiện tại đi 40% xuống còn 1,09 tỷ USD với lý do lạm phát.

Xuất xứ Texas

Trước khi đổi tên thành 7-Eleven, chuỗi siêu thị này được biết đến với tên gọi Southland Ice Co và được thành lập tại Dallas-Texas-Mỹ vào năm 1927 bởi Joe C. Thompson và một số đối tác.

Ban đầu công ty này kinh doanh đá viên nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng theo gợi ý của một nhân viên, sang các mặt hàng tạp hóa, thuốc lá, xăng và các sản phẩm khác.

Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm- Ảnh 2.

Ngoài ra, công ty cũng bắt đầu dùng thỏa thuận nhượng quyền thương mại để mở rộng thêm các chi nhánh trên khắp nước Mỹ.

Sau khi mở rộng giờ hoạt động từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, chuỗi cửa hàng này đã quyết định đổi tên thành 7-Eleven vào năm 1946.

Năm 1959, nhà phát minh người Kansas Omar Knedlik và đối tác kinh doanh Dean Sperry đã hoàn thiện một chiếc máy làm đồ uống đông lạnh và chỉ 6 năm sau đó, 7-Eleven đã phát minh ra đồ uống siro đá nghiền mang tên Slurpee nổi tiếng sau này.

Cũng chính 7-Eleven là nơi tiên phong thử nghiệm thành công mô hình mở cửa 24 tiếng mỗi ngày để bán hàng cho sinh viên đại học cũng như giới trẻ vào đêm khuya ở Mỹ. Kể từ đây, 7-Eleven bắt đầu có những công thức thành công cho riêng mình.

"7-Eleven thực sự đại diện cho giấc mơ Mỹ theo nhiều cách", Cựu giám đốc điều hành (CEO) James Keyes của 7-Eleven vào đầu những năm 2000 cho biết.

Chuỗi cửa hàng này cũng chính là siêu thị tiên phong trong việc kết hợp bán lẻ với trạm bơm xăng và triển khai máy rút tiền tự động (ATM).

Cựu CEO Keyes cho biết chương trình nhượng quyền của 7-Eleven đã từng là con đường lập nghiệp nổi tiếng của nhiều người nhập cư muốn kinh doanh tại Mỹ.

Năm 1968, công ty mẹ của 7-Eleven là Southland đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để có tài chính mở rộng đến 8.200 cửa hàng vào cuối những năm 1980.

Tuy nhiên, do tình hình tài chính hỗn loạn vì khủng hoảng kinh tế nên để tránh bị thâu tóm, gia đình sáng lập Thompson đã đưa Southland trở thành công ty tư nhân vào năm 1987 thông qua một đợt mua lại. Dẫu vậy, ông chủ của 7-Eleven vẫn phải bán tài sản để trả nợ.

Cuối cùng vào thập niên 1990, 7-Eleven đã phải nộp đơn xin phá sản và đây là lúc người Nhật Bản xuất hiện.

Suzuki đến từ Nhật Bản

Năm 1974, một nhà bán lẻ ít tên tuổi của Nhật Bản đã mở một chi nhánh 7-Eleven tại Tokyo. Cửa hàng này hiện vẫn hoạt động cho đến tận ngày nay chính là điểm khởi đầu cho một sự đảo ngược vai trò không thể ngờ tới.

Sự hình thành chuỗi cửa hàng 7-Eleven của Nhật Bản trong vòng hai thập kỷ đã phát triển đủ lớn đến mức mua lại và tiếp quản công ty công ty mẹ lớn tuổi hơn của mình tại Mỹ.

Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm- Ảnh 3.

Quay ngược vào đầu những năm 1970, anh Toshifumi Suzuki là một giám đốc điều hành cấp trung tại một công ty có tên là Ito-Yokado chuyên quản lý một chuỗi các nhà bán lẻ tổng hợp giống như Walmart tại Nhật Bản.

Khi đến thăm Mỹ, anh Suzuki đã bị hấp dẫn bởi các cửa hàng 7-Eleven với những chi nhánh chật cứng, lộn xộn nhưng lại cực kỳ hiệu quả khi hiểu về thị hiếu địa phương.

Bởi vậy, Suzuki đã đàm phán một thỏa thuận cấp phép với Southland để mở tại Nhật Bản.

Kể từ đó, các cửa hàng 7-Eleven của ông tại Nhật Bản đã nhanh chóng tăng lên với những món hàng đặc trưng ban đầu là bánh mì kẹp thịt và bánh sandwich.

Trong khi các cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ nổi tiếng với Slurpee thì các địa điểm ở Nhật Bản đã giới thiệu cơm nắm và một món lẩu truyền thống địa phương gọi là Oden.

Giống như Southland, ông Suzuki đã mày mò với các chiến lược hoạt động nhằm đem lại lợi thế cho 7-Eleven.

Lúc đầu, việc giao hàng từ tới 70 xe tải một ngày sẽ gây ra tình trạng tắc đường trước các cửa hàng 7-Eleven của Nhật Bản. Do đó từ năm 1976, công ty đã phát triển một hệ thống mới tập trung giao hàng từ nhiều thương hiệu và nhà cung cấp khác nhau, cho phép chuỗi cửa hàng bổ sung hàng tồn kho của cửa hàng với ít hơn một chục xe tải ngày nay.

Năm 1982, 7-Eleven tại Nhật Bản đã giới thiệu mô hình quản lý hàng tồn kho theo từng mặt hàng, sử dụng hệ thống máy tính giúp các cửa hàng chỉ đặt hàng những gì cần thiết dựa trên dữ liệu bán hàng theo thời gian thực, giảm thiểu lãng phí.

Nhờ khả năng hậu cần và quản lý hàng tồn kho cực tốt này mà ông Suzuki có khả năng nhấn mạnh vào độ tươi của sản phẩm, việc bổ sung hàng thường xuyên và danh mục sản phẩm đa dạng bao gồm các món ăn chế biến sẵn phù hợp với khẩu vị địa phương, tạo nên lợi thế cực lớn cho 7-Eleven Nhật Bản.

Vậy là trong khi chuỗi cửa hàng này phát triển mạnh ở Nhật Bản thì Southland lại nộp đơn xin phá sản và ông Suzuki không bỏ lỡ cơ hội.

Vào năm 1991, công ty Nhật Bản của Suzuki đã mua lại 70% cổ phần của công ty mẹ 7-Eleven, tiếp đó mua nốt phần còn lại vào năm 2005.

Nổi danh toàn cầu

Khi bắt đầu tái cấu trúc lại các cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ, ông Suzuki đã bị sốc trước tình trạng của nhiều chi nhánh. Các siêu thị tiện lợi này được bố trí với ánh sáng mờ nhạt, không gian bẩn thỉu với bia, thuốc lá và hộp đựng soda chất đống trên lối đi.

“Đây trông giống như những nhà kho hơn là siêu thị”, ông Suzuki viết lại trong hồi ký khi nhớ về thời gian này.

Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm- Ảnh 4.

Quyết tâm thay đổi, người đàn ông Nhật Bản này đã tiến hành hàng loạt cải cách quyết liệt trong vòng 3 năm, biến 1 chuỗi siêu thị phá sản thành biểu tượng văn hóa của nước Mỹ, đem về niềm tự hào cho người dân Nhật Bản.

Một trong những cải cách tiêu biểu là cấu trúc hoạt động trao quyền tự chủ cho từng quản lý cửa hàng để quyết định về sản phẩm sẽ bán và lịch trình giao hàng.

Ví dụ, các cửa hàng trong khuôn viên trường đại học có thể bán nhiều bia và khoai tây chiên hơn; một địa điểm đường cao tốc liên bang có thể bán nhiều loại đồ dùng ô tô và kính râm hơn.

Ngoài ra, các chi nhánh 7-Eleven sẽ theo dõi doanh số bán hàng hàng ngày và thu thập thông tin nhân khẩu học về khách hàng địa phương.

Các cửa hàng cũng sử dụng hệ thống phân phối mà trong đó đơn vị nhượng quyền đặt hàng hàng ngày dựa trên khuyến nghị của công ty về những mặt hàng đang bán chạy trên toàn quốc và khu vực.

Đặc biệt, 7-Eleven đã nâng cao tiêu chuẩn của mình với nhà cung ứng, nhất là trong vấn đề thực phẩm. Những món ăn nhẹ chế biến của 7-Eleven thường được ưa chuộng trong khu vực địa phương nhờ hiểu được thị hiếu bản địa.

Ví dụ 7-Eleven tại Virginia sẽ chuyên làm bánh sandwich gà và bánh sandwich bít tết jalapeno, vốn là các món ưa thích của người dân nơi đây.

Cựu CEO Keyes cho biết mô hình này giúp 7-Eleven linh hoạt hơn so với các đối thủ cạnh tranh đang phụ thuộc vào hệ thống đặt hàng tập trung.

Số liệu của Numerator cho thấy hiện 7-Eleven chiếm gần 2% doanh số bán hàng tạp hóa tại Mỹ, nhiều hơn cả Trader Joe’s hay Whole Foods.

Thậm chí chiến lược của 7-Eleven còn đặc biệt thành công ở Châu Á. Ví dụ tại Thái Lan, nơi có số lượng 7-Eleven lớn thứ hai sau Nhật Bản, các chi nhánh thường có nhiều loại đồ ăn Thái truyền thống như cà ri gà kiểu Thái.

Thèm khát 20 năm

Bên kia Thái Bình Dương, một đối thủ đã để mắt đến 7-Eleven trong gần 20 năm.

Tập đoàn Alimentation Couche-Tard của Canada bắt đầu là một cửa hàng tiện lợi duy nhất bên ngoài Montreal vào năm 1980, sau đó phát triển thành 16.800 cửa hàng trải rộng trên 31 quốc gia, bao gồm Canada, Scandinavia, Đức, Hồng Kông và Mỹ.

Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm- Ảnh 5.

Người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của công ty, ông Alain Bouchard đã xây dựng công ty thông qua một loạt các giao dịch thâu tóm, mua lại bao gồm chuỗi bán lẻ của Total Energies tại Châu Âu và các cửa hàng tiện lợi Circle K của ConocoPhillips tại Mỹ.

Bởi vậy không có gì lạ khi Bouchard quan tâm đến 7-Eleven trong suốt 20 năm qua khi chứng kiến những thành công của biểu tượng kinh doanh siêu thị Nhật Bản.

Trên thực tế, Bouchard đã tiếp cận các giám đốc điều hành tại Seven & i một cách không chính thức vào đầu những năm 2000 để đánh giá xem liệu có thể thực hiện một thỏa thuận mua lại hay không, nhưng ông đã bị từ chối.

Thất bại trong việc mua lại 7-Eleven, ông Bouchard quyết định sao chép thành công của siêu thị Nhật Bản này bằng cách đa dạng hóa các chuỗi siêu thị của mình, thay vì chỉ phụ thuộc bán thuốc lá thì giờ đây bán nhiều thực phẩm tươi hơn, vốn chỉ chiếm 12% doanh số của Alimentation Couche-Tard.

Xin được nhắc rằng thực phẩm tươi chiếm khoảng một phần ba doanh số bán hàng tại Nhật Bản của 7-Eleven.

Mỹ là thị trường lớn nhất của Couche-Tard, nơi công ty có hơn 7.100 cửa hàng hoạt động dưới thương hiệu Circle-K, chỉ đứng sau gần 13.000 cửa hàng của 7-Eleven.

Couche-Tard đã đưa ra lời chào mua mở màn cho Seven & i vào mùa hè này khi công ty gửi đề xuất mua lại với giá 39 tỷ USD.

Tổng vốn hóa thị trường của Seven & i tương đương khoảng 30 tỷ USD trước khi Couche-Tard công khai xác nhận lời đề nghị của mình, nhưng hãng đã từ chối thỏa thuận khi cho rằng lời đề nghị này "làm giảm giá trị" công ty một cách nghiêm trọng.

Sau đó, Couche-Tard đã nâng giá chào mua lên khoảng 47 tỷ USD nhưng Seven & i vẫn đang phản đối.

CEO Alex Miller của Couche-Tard và ông Bouchard đã đến Tokyo vào tháng 10/2024 nhưng không thể gặp được các giám đốc điều hành của Seven & i.

Tháng trước, CEO của Seven & i là Ryuichi Isaka cho biết công ty có "tiềm năng tăng trưởng đáng kể trên toàn cầu" và đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi doanh thu lên khoảng 200 tỷ USD vào năm 2030. Ông cũng công bố kế hoạch tái cấu trúc bao gồm việc tách các doanh nghiệp không cốt lõi, bao gồm cả siêu thị.

Sau đó, một giám đốc điều hành của Seven & i là Junro Ito đã đưa ra đề xuất biến công ty trở thành công ty tư nhân nhằm tránh sự can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên việc bán mình hay tư nhân hóa là một quyết định rất khó khăn khi Seven & i đang chịu áp lực rất lớn.

Bí mật gần 100 năm của 7-Eleven khiến người nước ngoài quyết chi 47 tỷ USD thâu tóm- Ảnh 6.

Vào tháng 10/2024, các giám đốc điều hành của 7-Eleven cho biết họ có kế hoạch đóng cửa gần 450 địa điểm ở Bắc Mỹ để cắt giảm chi phí vì sức tiêu dùng giảm do lạm phát.

Công ty cho biết doanh số bán thuốc lá đã giảm 26% kể từ năm 2019, mức thấp nhất trong 80 năm.

Suốt 1 năm qua, 7-Eleven đã cố gắng cải thiện một số sản phẩm mang tính thương hiệu của mình và bán nhiều đồ uống đặc sản hơn như cà phê Cappuccino và Latte, qua đó giúp đa dạng hóa ngoài việc bán xăng và thuốc lá.

Trong bối cảnh như vậy, liệu biểu tượng Nhật Bản có thể tồn tại trước những đồng tiền của nhà đầu tư nước ngoài? Liệu 7-Eleven và Circle K có về chung một chủ?

*Nguồn: WSJ

Link nội dung: https://baodulichvn.com/bi-mat-gan-100-nam-cua-7-eleven-khien-nguoi-nuoc-ngoai-quyet-chi-47-ty-usd-thau-tom-a28598.html