Hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, các địa phương hiện nay đang tìm cho mình nhiều giải pháp, sáng kiến mới để đem công nghệ vào trong giáo dục. Với sự nỗ lực, kỳ vọng chỉ trong thời gian ngắn chúng ta sẽ xây dựng được mạng lưới số trong giáo dục.
Hệ sinh thái giáo dục "sống – đủ - sạch"
Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua việc số hóa trường, lớp cũng như công tác giảng dạy, quản lý điều hành nhằm xây dựng trường học thông minh, chất lượng giáo dục của địa phương không ngừng tăng lên.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, nhìn nhận đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tạo nền móng chuyển đổi số.
Địa phương này mong muốn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái giáo dục số toàn diện cho phép học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà quản lý kết nối, chia sẻ và quản lý thông tin học tập một cách linh hoạt, nhanh chóng và an toàn.
Để đạt được kỳ vọng, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã nhanh chóng triển khai nhiều sáng kiến. Nổi bật trong số đó, là thực hiện hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục bảo đảm sống – đủ - sạch làm nền tảng để triển khai các giải pháp chuyển đổi số.
Xây dựng mục tiêu kép để bắt kịp công nghệ
Mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đảm bảo mục tiêu kép: Vừa ứng dụng thành quả của cách mạng công nghệ lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học thích ứng, tiên tiến và hiệu quả;
Vừa giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện phát triển bền vững kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin: "Trước mắt, ngành giáo dục Nghệ An đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số".
Địa phương này cũng thí điểm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chuẩn quốc tế tại một số cơ sở giáo dục, địa phương có đủ điều kiện và yêu cầu cao về nhân lực chuyển đổi số. Đảm bảo 100% nhà giáo có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu.
Không phủ nhận vai trò của chuyển đổi số, nhưng ông Thành cũng nhận thấy một mặt trái cũng cần phải được quan tâm đó là an toàn trên không gian mạng. Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục cũng đi kèm với những rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của học sinh. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải có các chính sách bảo mật thông tin và dữ liệu chặt chẽ, cùng với việc tăng cường giáo dục về an toàn trực tuyến cho cả học sinh và giáo viên.
Liên minh tạo ra cộng đồng chuyển đổi sốThay vì phát triển đơn lẻ, Sở GD&ĐT 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ (Tp.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh) lại lựa chọn, hợp tác ký kết hợp tác thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Nói về mục tiêu của sự hợp tác, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết: "Nhằm xây dựng một nền tảng chung để các địa phương có thể chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên và các giải pháp chuyển đổi số.
Chúng tôi chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý giáo dục, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận các phương pháp học tập hiện đại".
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm liên kết này sẽ hướng tới phát triển các giải pháp liên quan đến học liệu số, kết nối dữ liệu và chia sẻ tài nguyên học liệu giữa các tỉnh thành. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến AI cho cả giáo viên và học sinh.
Sau thời gian đầu triển khai chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Hiếu đánh giá việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục giúp ngành giáo dục Tp.HCM tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực giáo viên, thông qua các lớp học trực tuyến hoặc mô hình học tập kết hợp.
"Điều này không chỉ giảm bớt áp lực về sĩ số lớp học, mà còn tạo cơ hội cho học sinh ở các khu vực thiếu trường lớp có thể tiếp cận nền giáo dục chất lượng. Bên cạnh đó, công nghệ còn hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý và phân bổ nguồn lực, giúp giải quyết vấn đề quá tải và nâng cao chất lượng giáo dục", ông Hiếu bày tỏ.
Trước những kết quả bước đầu, lãnh đạo ngành giáo dục Tp.HCM mong muốn rằng chuyển đổi số sẽ là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Hiếu đề xuất ngành giáo dục cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là ở các khu vực còn khó khăn. Cần chú trọng hơn đến việc đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
"Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển các giải pháp giáo dục số phù hợp với điều kiện thực tế", ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.
Hoa Trà – Thái Phan – Nguyễn Lành – Anh Ngọc
Link nội dung: https://baodulichvn.com/cuoc-cach-mang-so-tu-cac-dia-phuong-a28465.html