Cách Thượng Hải 140 km, Ô Trấn cùng với Chu Trang, Tây Đường, Lục Trực là 4 cổ trấn nổi tiếng bên sông Dương Tử (Trường Giang).
Trấn cổ được xây dựng từ năm 872, thuộc địa phận thành phố Đồng Hương-Gia Hưng tỉnh Chiết Giang, nằm trong tam giác được hình thành bởi Hàng Châu, Tô Châu và Thượng Hải. Với diện tích hơn 71 km2, Ô Trấn có tổng dân số 60.000 người.
Minh Nhã, 32 tuổi, cùng bạn có chuyến đi 8 ngày đến Thượng Hải - Ô Trấn - Hàng Châu hồi tháng 3, ấn tượng với cổ trấn từ tên gọi, địa chỉ, hệ thống nước, kiến trúc đến phương thức sinh hoạt của người dân, vẫn vẹn nguyên qua hơn nghìn năm lịch sử.
Hiện Ô Trấn có khu nhà cổ 40 ha được xây dựng cuối thế kỷ XIX, hơn 100 cây cầu đá cổ xưa. Hệ thống kênh rạch chạy qua chia thị trấn thành bốn phần danh lam thắng cảnh chính là Đông Sách, Nam Sách, Tây Sách, và Bắc Sách.
Hơn 80% các ngôi nhà cổ và cửa hàng ven sông ở đây không thay đổi qua thời gian, soi bóng dưới mặt nước êm đềm. Tất cả làm nên một Venice của châu Á, gồm những dòng kênh xanh và các cầu đá uốn lượn.
Ô Trấn trưng bày lịch sử của mình thông qua những cây cầu đá cổ, lối đi bằng đá và những tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo. Minh Nhã cho biết khi đến trấn, du khách được hướng dẫn viên kể về lịch sử hình thành và phát triển của một đô thị cổ qua tác phẩm "cửa hàng của Lin" của nhà văn cách mạng hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc Mao Dun. Nếu tiện đường hoặc có thời gian, du khách có thể ghé tham quan bảo tàng Nghệ thuật Mu Xin trong thành phố được dành riêng cho tác phẩm của ông. Bảo tàng mở cửa từ 9h đến 17h30, thứ Ba đến Chủ nhật. Giá vé gần 600.000 đồng.
Trải qua hàng nghìn năm, người dân địa phương vẫn lưu giữ tập quán và nghề truyền thống như nấu rượu, dệt, nhuộm vải và làm sản phẩm thủ công phục vụ khách du lịch.
Ô Trấn được chia thành sáu khu truyền thống, gồm khu hội thảo, khu nhà ở kiểu địa phương, khu văn hóa, khu ẩm thực - đồ uống, khu cửa hàng và khu phong tục đời sống thị trấn sông nước. Sáu khu vực kết thành mạch đông-tây-đông, giúp du khách thuận tiện tham quan, tìm hiểu các tập quán và văn hóa truyền thống.
Xưởng nhuộm Hồng Nguyên, chuyên một loại vải in hoa màu xanh lam nổi tiếng là địa chỉ nên ghé thăm ở khu cửa hàng. Điểm đặc biệt ở xưởng là các loại màu được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không có hóa chất tạo màu. Vải và thuốc nhuộm được làm từ các vật liệu truyền thống, cùng với hình vẽ và hoa văn mang đậm phong cách Giang Nam.
"Ở Ô Trấn, bạn sẽ cảm nhận được hơi thở của thời gian qua từng góc phố, từng viên gạch nhỏ", Minh Nhã nói.
Trước khi đường sắt ra đời ở Trung Quốc, thuyền bè là cách duy nhất để di chuyển giữa các vùng và thị trấn nằm dọc theo sông Dương Tử. Nhiều lữ khách khi đến đây tặng cho Ô Trấn cái tên dễ nhớ là "thủy trấn".
Dạo quanh ngôi làng, Minh Nhã như bước vào một thế giới ẩm thực đầy màu sắc. Chợ đêm náo nhiệt với đủ loại món ăn đường phố Trung Quốc đặc trưng sẽ khiến bạn cảm thấy như đang tham gia vào một hội hè vui vẻ. Hàng quán ven sông với hương vị cá thơm ngon và không gian lãng mạn là nơi bạn có thể thư giãn và thưởng thức bữa tối đáng nhớ. Khám phá chợ nông sản và các gánh hàng ven đường để tìm kiếm những hương vị đường phố độc đáo và mua sắm quà lưu niệm thú vị. Cuộc sống bình yên đến lạ trong tâm trí cô.
Mùa xuân, thu là thời điểm lý tưởng nhất để tham quan Ô Trấn vì có hoa nở, thời tiết dễ chịu, không quá nóng hay lạnh. Đến Ô Trấn, nếu đúng dịp bạn có thể xem biểu diễn Thuyền hoa tằm, múa rối bóng hay hát kịch Trống hoa.
Từ TP HCM, du khách bay đến Thượng Hải rồi đi xe buýt, taxi hoặc tàu cao tốc tới Ô Trấn. Thời gian từ một đến hai tiếng tùy phương tiện.
Đi thuyền dọc theo các kênh nước là hoạt động nên thử. Có hai loại thuyền cho du khách lựa chọn, loại dành cho đoàn 6 khách và loại cho đoàn từ 10 khách trở lên. Thả mình theo dòng nước trong xanh, bạn như lạc vào thế giới cổ kính với những nếp nhà, những cây cầu, trụ đá hàng trăm năm tuổi.
"Dù Ô Trấn không xa hoa nhưng cũng đủ khiến cho du khách mê đắm, muốn ngắm nhìn mãi không thôi", Minh Nhã nói.
Thanh Thu
Link nội dung: https://baodulichvn.com/an-tuong-o-tran-cua-khach-viet-a28449.html