Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo với chủ đề: Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật.
Hội thảo nhằm đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cũng như chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Tham gia Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ một số cơ quan, ban ngành trung ương, Bộ VHTTDL; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học; một số viện nghiên cứu, trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật; các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và các địa phương, các nghệ sĩ trẻ.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, nghiên cứu về vai trò của tài năng trẻ trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời cũng khuyến khích thế hệ trẻ phát triển năng lực sáng tạo và kết nối với các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa, Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo được các đại biểu tập trung vào các nội dung chính như: Đánh giá thực trạng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, những người trẻ đang thực hiện sáng tạo văn hóa, nghệ thuật (ưu điểm, hạn chế); Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn; bài học kinh nghiệm rút ra trong phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng tài năng trẻ; Đề xuất giải pháp phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ tài năng trong văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Tạo điều kiện cho tài năng trẻ phát huy khả năng và nhiệt huyếtCó thể nói, ở nước ta, chủ trương, chính sách đối với phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng luôn được coi trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ: "Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ". Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021 đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Bên cạnh một số đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân và ưu đãi trong đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ trong hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật đã được đầu tư. Các liên hoan, hội diễn, cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật… diễn ra ở nhiều tỉnh, thành cũng như nhiều hoạt động sôi nổi ở các địa phương nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO: Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tạo nhiều không gian hữu ích cho các nghệ sĩ trẻ cống hiến, thể hiện. Các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, phục hồi, bảo tồn cũng là nguồn khích lệ cho những nghệ nhân, những người trẻ thêm gắn bó với di sản của ông cha để lại…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển, như những điểm nghẽn trong đào tạo nghệ thuật; chế độ, chính sách cho nghệ sĩ, diễn viên (bồi dưỡng, ưu đãi…); chế độ nhuận bút, thù lao cho người viết, sáng tác; cơ chế để thu hút người trẻ tham gia các hoạt động thực hành văn hóa, nghệ thuật; vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa…
Theo GS.TS Lê Thị Hoài Phương – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, đội ngũ những người hoạt động nghệ thuật không hoàn toàn giống đại đa số lực lượng lao động của các ngành nghề khác trong xã hội, họ học tập, rèn luyện, làm việc trong một môi trường khá khác biệt, đó là môi trường nghệ thuật, nơi mà sự sáng tạo và năng lực cá nhân cần có sự quan tâm đặc biệt. Để có được một tài năng nghệ thuật thì cần hàng chục năm, vài chục năm, mà có khi vẫn không thể thành tài với đúng nghĩa của nó. Như vậy để thấy những người được gọi là tài năng nghệ thuật là số ít, là hiếm hoi.
GS.TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng, tài năng nghệ thuật được đào tạo bài bản trong các nhà trường văn hóa nghệ thuật là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ để tài năng được phát huy và thăng hoa. Môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... đó là những yếu tố vô cùng quan trọng, có tác động quyết định tới sự thành bại của người nghệ sĩ. Nếu tác động tích cực thì đây là bệ đỡ, là chất xúc tác giúp cho nghệ thuật thăng hoa, tài năng nở rộ; ngược lại, nếu là tác động tiêu cực, thì đó là rào cản, có sức mạnh làm lụi tàn tài năng, thậm chí giết chết mọi sáng tạo nghệ thuật...
GS.TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng một trong những thách thức đã và đang đặt ra trong công tác đào tạo tài năng trẻ đó là câu chuyện "đầu ra" của các trường. Nỗi lo lớn nhất của các sinh viên trẻ tốt nghiệp ra trường là tìm được nơi việc làm phù hợp với ngành nghề, có thu nhập. Đối với số ít các em có năng lực nổi trội thì không phải là vấn đề lớn, nhưng với nhiều em thì không dễ dàng. Rào cản lớn nhất vẫn là vấn đề tinh giảm biên chế - một chính sách quản lý hành chính của Nhà nước khi áp vào một ngành có tính đặc thù là nghệ thuật làm nảy sinh nhiều điều bất cập, bế tắc.
Có một thực trạng ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật là số diễn viên đã luống tuổi, không còn biểu diễn được nữa, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì họ vẫn nằm trong biên chế, vì vậy, đơn vị không thể tuyển thêm người, các nghệ sĩ trẻ đang sung sức, có khả năng thì có thể ký hợp đồng, tuy nhiên mức lương hợp đồng quá ít ỏi, buộc họ phải "dứt áo ra đi", tìm con đường mưu sinh khác. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu, đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước đổi mới.
Do vậy, theo GS.TS Lê Thị Hoài Phương, Nhà nước cần tiếp tục có sự điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các chính sách phù hợp dành cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, cần tính tới tính đặc thù của lĩnh vực này để tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên cũng như học sinh, sinh viên phát huy khả năng và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài năng cống hiến cho xã hội.
Các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo tài năng nghệ thuật cần có sự phối kết hợp trong việc ban hành các quy định, quy chế, chế độ và chỉ đạo thực hiện đối với công tác đào tạo của các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật; cần có chính sách phù hợp trong các khâu tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, ưu tiên, ưu đãi đối với những nhân tài của đất nước. Để thu hút được nhiều người học, không bỏ sót các mầm non tài năng, các trường cần trở lại cách thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù của ngành là chủ động đi đến các địa phương để tổ chức tuyển sinh. Đây là cách làm không mới, nhưng đến nay vẫn là cách làm hiệu quả nhất. Tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường là nhiệm vụ cần thiết, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, để không bị đứt gãy thế hệ.
Tránh "lãng phí" tài năng trẻ
PGS.TS Vũ Ngọc Thanh-Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM kỳ vọng qua các tài năng, tiềm năng nhà làm phim trẻ sẽ là một thế hệ làm phim mới. Với sự ghi nhận tại một số liên hoan phim quốc tế, khiến một số nhà làm phim trẻ trở thành những nghệ sĩ đầy hứa hẹn giữa giai đoạn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
PGS.TS Vũ Ngọc Thanh cho rằng cần những cơ chế, chính sách mang tính chiến lược từ các nhà hoạch định và sự triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đó cho sự phát triển, hỗ trợ nhiều nhất có thể các tài năng trẻ trong lĩnh vực điện ảnh.
Điều đó tạo điều kiện cho sự xuất hiện và duy trì của một lực lượng trẻ như một trào lưu, làn sóng mới, mang tính tập thể để mang lại một làn sóng mang tính xung kích to lớn cho điện ảnh nội địa, bởi nhiều nhà làm phim trẻ ít nhiều mang còn mang tính cục bộ, bộ phận nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, tạo môi trường mà ở đó người nghệ sĩ trẻ được sáng tạo tối đa; đầu tư kinh phí thích đáng, Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phải đảm bảo đồng bộ các yếu tố (mục tiêu, chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, các trường đại học phải có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và đồng bộ về cơ cấu), nhất là khắc phục sự hạn chế trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ (chưa rõ nét và chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; chưa xây dựng được quy trình, mô hình đào tạo phù hợp, thật sự có hiệu quả; chưa có phương thức tích cực và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng…). Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho nhiều nhà làm phim trẻ đi đào tạo ở nước ngoài một cách căn cơ, hiệu quả.
Theo NSND Tống Toàn Thắng-Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tài năng trẻ tham gia hoạt động và cống hiến trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang ngày càng trở nên nổi bật. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ âm nhạc, hội họa đến múa, xiếc và điện ảnh, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa nghệ thuật. Họ dám thử nghiệm với các thể loại nghệ thuật mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo ra những xu hướng mới trong văn hóa nghệ thuật. Họ mong muốn tham gia các hoạt động cộng đồng, các chương trình tình nguyện.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện tài năng thường thiếu một hệ thống đánh giá đồng bộ và khoa học, thiếu định hướng rõ ràng để phát triển tài năng có tính lâu dài. Nhiều tài năng trẻ phải đối mặt với áp lực từ gia đình và xã hội, dẫn đến stress và giảm động lực phát triển. Có những tài năng trẻ không được tạo điều kiện để thực hành và thể hiện khả năng của mình do thiếu cơ hội và môi trường hỗ trợ. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực cũng tạo ra sự chênh lệch trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng.
NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, việc tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức nghệ thuật, cộng đồng và các doanh nghiệp. Để tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cần có những kiến nghị cụ thể về cơ chế chính sách và phương pháp đào tạo. Các cơ chế chính sách hỗ trợ, cùng với các phương pháp đào tạo đổi mới, sẽ góp phần nuôi dưỡng và phát triển tài năng trẻ, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị nghệ thuật trong xã hội.
Thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ trong văn hóa nghệ thuật để cung cấp, tài trợ cho học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp. Chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ. Thành lập quỹ tài chính để hỗ trợ các tài năng trẻ trong việc học tập, nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật. Tài trợ dự án nghệ thuật, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật do nghệ sĩ trẻ khởi xướng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo.
Đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ trẻ, bao gồm bản quyền tác phẩm và các chế độ đãi ngộ hợp lý.
Khuyến khích hợp tác công tư, liên kết với doanh nghiệp, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc tài trợ và phát triển các chương trình nghệ thuật, tạo cơ hội việc làm cho tài năng trẻ.
Đầu tư vào cơ sở vật chất cho các trường nghệ thuật và trung tâm văn hóa, cung cấp trang thiết bị hiện đại cho việc học tập và sáng tác. Tạo điều kiện giao lưu và hợp tác với các tổ chức quốc tế. Khuyến khích các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật với các tổ chức quốc tế, tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ học hỏi và phát triển. Tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế đưa tài năng trẻ tham gia các liên hoan, triển lãm và hội nghị nghệ thuật quốc tế để họ có cơ hội giao lưu và quảng bá tài năng. Đồng thời, khuyến khích tài năng trẻ tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương, tăng cường sự kết nối với cộng đồng và xã hội.
Tổ chức các cuộc thi và chương trình phát hiện tài năng. Cần có các cuộc thi nghệ thuật, lễ hội văn hóa và các chương trình tuyển chọn tài năng nhằm phát hiện và khuyến khích những nhân tố tài năng trẻ xuất sắc. Từ đó mở các khóa đào tạo và bồi dưỡng, tổ chức các khóa học và chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho tài năng trẻ, từ âm nhạc, hội họa đến múa và diễn xuất.
Thành lập hệ thống đánh giá công bằng, đánh giá và công nhận tài năng một cách công bằng và minh bạch, đảm bảo rằng các tài năng trẻ được công nhận đúng với khả năng của họ. Tạo ra các giải thưởng đặc biệt dành cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.
Diệp Anh
Link nội dung: https://baodulichvn.com/dung-de-tai-nang-tre-dut-ao-ra-di-a27967.html